Phí ATM gồm những gì và cách nào né phí ATM
Hầu hết các ngân hàng thực hiện thu phí ATM giao dịch nội mạng (phí ngoại mạng đã thu từ lâu) thậm chí là truy vấn số dư, phí in thông tin tài khoản sau khi rút tiền… bất chấp sự phản đối của khách hàng. Việc thu phí nhận được sự đồng tình của cơ quan quản lý, cho dù chất lượng phục vụ của dịch vụ này vẫn còn rất kém và giữa lúc người dân đang phải chịu quá nhiều loại phí.
Đồng cảm với những bức xúc của người tiêu dùng với đủ các loại phí hiện nay, Napas giúp bạn tìm hiểu các loại phí mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay đối với chủ thẻ ATM, đồng thời chỉ ra những nghi vấn về việc các ngân hàng kêu lỗ trong khi đang có những nguồn thu khủng từ việc khai thác thị trường thẻ, một số chia sẻ của người viết về kinh nghiệm để giảm phí khi sử dụng ATM.
Phí ATM gồm những gì?
Mặc dù các ngân hàng liên tục kêu lỗ khi duy trì dịch vụ ATM, với mức lỗ trên mỗi giao dịch ATM được công bố là 7.000 – 9.000 đồng, nhưng thực tế các ngân hàng vẫn đang thu khá nhiều loại phí và nhận được nhiều lợi ích từ mỗi chủ thẻ ATM.
Tùy từng ngân hàng và tùy từng đối tượng khách hàng, các nguồn lợi từ mỗi tài khoản ATM mà các ngân hàng có thể được hưởng có thể liệt kê khá dài như sau:
– Phí phát hành thẻ: khoảng 50.000 – 100.000 đồng/thẻ. Thông thường để khuyến khích khách hàng mở thẻ, hầu hết các ngân hàng miễn phí phát hành thẻ cho khách hàng, nhưng sẽ áp dụng phí này khi khách hàng cần cấp lại thẻ, khi mở thêm thẻ phụ, khi muốn được phát hành nhanh (thay vì đợi một vài ngày để quay lại ngân hàng lấy thẻ, khách chỉ cần đợi khoảng 15-30 phút sẽ được cấp thẻ ngay, với một số ngân hàng thì thẻ phát hành nhanh là thẻ được phát hành ngay trong ngày đăng ký). Khách hàng cũng “được” phân biệt khi lựa chọn phát hành thẻ chuẩn hay thẻ VIP, thẻ chuẩn có hạn mức rút tiền tối đa mỗi ngày thấp hơn thẻ VIP và bớt đi một số ưu đãi dịch vụ. Ở TienPhongBank, phí phát hành thẻ chuẩn là 50.000 đồng, thẻ VIP là 100.000 đồng. Ngân hàng Vietinbank thu phí phát hành thẻ VIP (G-Card, Pink Card) đến 200.000 đồng.
– Phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ): 50.000-100.000 đồng/năm. Trước đây hầu hết các ngân hàng không thu phí này, nhưng hiện nay đã có nhiều ngân hàng thu phí thường niên theo hình thức trích từ tài khoản theo định kỳ hàng năm hoặc hàng tháng. Một số ngân hàng, như Vietcombank, Techcombank đã thu phí quản lý tài khoản thẻ theo tháng, Vietcombank là 3.300 đồng/tháng, Techcombank là 5.500 đồng/tháng. Vietinbank cho khách hàng lựa chọn trả phí thường niên theo tháng hoặc theo năm, mức theo tháng từ 2.200 – 6000 đồng, theo năm là 29.000 – 69.000 đồng.
– Phí cấp lại số PIN (do chủ thẻ quên mã PIN, phải thực hiện giao dịch tại quầy): 10.000-33.000 đồng
– Phí khiếu nại, phí tra soát (do lỗi của chủ thẻ): 10.000-110.000 đồng
– Phí trả thẻ bị nuốt tại máy ATM: từ 5.000-20.000 đồng
– Phí chuyển khoản: trước ngày 1/3, hầu hết các ngân hàng miễn phí chuyển khoản nội mạng, nhưng thu phí chuyển khoản ngoại mạng tối thiểu 1.650 đồng và tối đa 16.500 đồng hoặc 0,011% số tiền giao dịch. Vietcombank thu phí chuyển khoản nội mạng từ 1/4/2012 với mức phí chung cho cả nội và ngoại mạng là 3.300 đồng/giao dịch, nhưng từ 1/3/2013, phí chuyển khoản tăng lên 5.500 đồng/giao dịch. Techcombank vẫn miễn phí chuyển khoản nội mạng nhưng thu phí chuyển khoản ngoại mạng 10.000 đồng/giao dịch, từ 1/3/2013.
– Phí truy vấn số dư/in sao kê/in chứng từ vấn tin tài khoản: trước đây các ngân hàng miễn phí dịch vụ này nếu thực hiện giao dịch tại cây ATM nội mạng, trường hợp vấn tin tại cây ATM ngân hàng khác hoặc khách hàng ngân hàng khác thực hiện vấn tin thì bị tính phí từ 550-1.650 đồng. Kể từ 1/3, tất cả các giao dịch vấn tin/in chứng từ đều chỉ được thu tối đa 550 đồng (bao gồm VAT), nên một số ngân hàng phải điều chỉnh mức thu này. Điển hình là Vietcombank sẽ vẫn miễn phí cho vấn tin nội mạng, khi vấn tin ngoại mạng, mức phí giảm từ 1.650 đồng/giao dịch xuống 550 đồng/giao dịch.
– Phí rút tiền: từ 1.100 – 3.300 đồng/giao dịch: trong khi các loại phí khác vẫn được các ngân hàng âm thầm thu từ lâu nay, phí rút tiền nội mạng chỉ chính thức áp dụng từ 1/3/2013. Phí rút tiền ngoại mạng đã bị thu từ lâu với mức phí phổ biến là 3.300 đồng/giao dịch. Sau đây, mức phí rút tiền nội mạng nếu áp dụng thì tối đa sẽ là 1.100 đồng cho đến hết năm nay, năm sau sẽ tăng lên 2.200 đồng và năm sau nữa sẽ tăng lên 3.300 đồng/giao dịch. Giao dịch rút tiền ngoại mạng theo quy định sẽ chỉ được thu tối đa 3.300 đồng, nên hiện tại ngân hàng nào đang thu phí cao hơn sẽ phải giảm xuống.
– Phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua hệ thống tin nhắn SMS: hiện nay hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ SMS banking, cho phép chủ thẻ ATM đăng ký một số thuê bao di động để nhận tin nhắn thông báo biến động số dư hoặc dùng điện thoại để thực hiện thanh toán, truy vấn thông tin, phí hàng tháng cho dịch vụ này là 5.000 – 8.800 đồng, ngoài ra còn tính thêm phí truy vấn 1000 đồng/tin, phí nạp thẻ di động 1000 đồng/tin…
Ngoài các khoản phí thông thường trên, các chủ thẻ ATM khi có nhu cầu sẽ phải trả thêm các loại phí như: Phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch; Phí thanh toán hóa đơn dịch vụ (hóa đơn điện, nước,); Phí gia hạn hiệu lực thẻ; Phí nộp tiền mặt vào thẻ (có thể lên tới 0,022 – 0,055% số tiền nếu là giao dịch khác chi nhánh mở thẻ và khác tỉnh-thành phố); Phí tất toán tài khoản thẻ (nếu bạn không muốn sử dụng một tài khoản thẻ ATM nữa mà trong thẻ vẫn còn một số tiền dư, thì tiền khóa tài khoản tối thiểu là 22.000 đồng hoặc 0,11% số dư trong tài khoản, nếu không tất toán thì bạn sẽ mất toàn bộ số dư này khi thẻ hết hiệu lực); Phí rút tiền tại quầy (0,06% số tiền rút)… Cá biệt có nhà băng còn thu 10.000 đồng phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.
Stt | Loại phí | Mức phí | |
1. | Phí phát hành thẻ | Từ 0 đồng đến 100.000 đồng/thẻ | |
2. | Phí thường niên | Từ 0 đồng đến 60.000 đồng/thẻ/năm | |
3. | Phí giao dịch ATM | ||
a) | Vấn tin tài khoản (không in chứng từ) | Nội mạng | 0 đồng/giao dịch |
Ngoại mạng | Từ 0 đồng đến 500 đồng/giao dịch | ||
b) | In sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản | Nội mạng | Từ 100 đồng đến 500 đồng/giao dịch |
Ngoại mạng | Từ 300 đồng đến 800 đồng/giao dịch | ||
c) | Rút tiền mặt | Nội mạng | Từ 01/03/2013 đến 31/12/2013: Từ 0 đồng đến 1.000 đồng/giao dịch Từ 01/01/2014 đến 31/12/2014: Từ 0 đồng đến 2.000 đồng/giao dịchTừ 01/01/2015 trở đi:Từ 0 đồng đến 3.000 đồng/giao dịch |
Ngoại mạng | Từ 0 đồng đến 3.000 đồng/giao dịch | ||
d) | Chuyển khoản | Từ 0 đồng đến 15.000 đồng/giao dịch | |
đ) | Giao dịch khác tại ATM | Theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ | |
4. | Phí dịch vụ thẻ khác | Theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ |
Ngân hàng lãi “khủng” mà vẫn kêu ca
Theo phân tích của một chuyên gia trên báo Lao Động: Hiện hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu. Số dư tiền để trong thẻ gần 70.000 tỉ đồng. Giá máy ATM hiện nay từ 10.000 – 15.000USD một máy. Lấy giá bình quân mức cao 15.000USD (hơn 300 triệu đồng) thì với 13.920 cây ATM hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.176 tỉ đồng. Nếu thu phí rút tiền nội mạng 3.000 đồng/lần thì với 40 triệu tài khoản, nếu mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 9.000 đồng = 360 tỉ đồng. Một năm sẽ là 4.320 tỉ đồng. Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng… (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu? Chắc không dưới 10 năm! Một khoản lãi khủng. Các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3.300 đồng x 12 tháng = 1.584 tỉ đồng. Tính riêng phí phát hành lấy tối thiểu 50.000 đồng, số tiền thu về khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ; phí rút tiền 3.300 đồng/lượt, phí kiểm tra thông tin và in sao kê tài khoản 1.650 đồng/lượt, phí chuyển tiền 3.300 đồng/lượt…, trung bình mỗi năm ngân hàng bỏ túi tổng giá trị giao dịch khoảng 200.000 tỉ đồng từ các chủ thẻ ATM. Lãi như thế mà các ngân hàng vẫn kêu lỗ?
Bên cạnh nguồn thu từ các loại phí nói trên, nếu các chủ thẻ còn tham gia các hoạt động thanh toán qua thẻ thì ngân hàng còn được hưởng nhiều lợi ích từ việc hợp tác với các các đối tác chấp nhận thanh toán thẻ, hưởng phần trăm trên giao dịch.
Mọi tài khoản ATM đều bắt buộc phải duy trì số dư tối thiểu là 50.000 đồng trong tài khoản, với những ngân hàng có hàng triệu tài khoản thẻ thì số tiền này không nhỏ, mang lại những nguồn lợi khác cho ngân hàng. Theo chia sẻ của giám đốc bán lẻ khu vực phía Nam một NH cổ phần trên báo Tuổi Trẻ, không phải tất cả tiền lương đều bị rút sạch sau khi chủ doanh nghiệp chi trả. Chỉ một bộ phận người có thu nhập thấp sau khi nhận lương mới phải rút ngay tiền ra để chi xài, nhưng cũng có quá trình. Thông thường doanh nghiệp trả lương ngày 25 thì phải đến ngày 30 người lao động mới rút hết. Trong năm ngày này, ngân hàng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn từ 1,5-2%/năm, thấp hơn lãi suất huy động vốn dân cư từ 7-7,5%/năm. Như vậy “ngồi không” mà ngân hàng tự nhiên có được khoản lãi còn cao hơn cả hoạt động cho vay. Chưa kể những thời điểm lãi suất liên ngân hàng sốt nóng, ngân hàng còn có thể thu lãi khủng nhờ việc kinh doanh trên số tiền gửi không kỳ hạn này.
Ngân hàng cũng hưởng lợi không nhỏ khi các doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản đều phải trả cho ngân hàng một khoản phí nhất định, theo đơn giá công bố thông thường là 4.400 đồng/lao động. Tính trên hàng triệu người lao động và cả những người nhận lương hưu qua tài khoản hiện nay, thì số tiền ngân hàng thu về đâu có nhỏ?!
Những bật cập từ chuyện thu phí
Việc thu phí khi người dùng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (hay của bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào) suy cho cùng thì cũng đúng thôi, bạn muốn được phục vụ thì bạn phải trả tiền cho người phục vụ, việc thu phí ATM ở các nước trên thế giới cũng thực hiện lâu rồi. Tuy nhiên, thu phí trong điều kiện chất lượng dịch vụ chưa tốt, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, xem ra đang là quyết định không hợp lòng người trong thời điểm hiện nay.
Một trong những mục tiêu phát triển hệ thống ATM là để tăng cường giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên hệ thống chấp nhận thẻ vẫn chưa rộng khắp và thuận tiện, người dân chưa có thói quen thanh toán bằng thẻ, nên thẻ ATM vẫn được dùng chủ yếu để rút tiền. Rất nhiều công nhân và người có thu nhập thấp chỉ rút số tiền đủ tiêu khi cần, sợ rút nhiều bị mất hoặc chi tiêu quá tay, nhưng nay họ sẽ phải rút luôn một lần trong tháng để đỡ tốn phí.
Báo Tuổi Trẻ phản ánh: chị Vân, công nhân Công ty Eidaikako chuyên sản xuất thảm lót xe hơi, nói đã có quá nhiều loại phí đè lên người dùng thẻ, hiện nay công ty chị phát lương thông qua NH Vietcombank và NH này đã thu phí quản lý tài khoản 3.300 đồng/tháng. Bên cạnh đó theo quy định người dùng thẻ bị giữ lại 50.000 đồng trong tài khoản và NH cũng quy định số tiền rút tối thiểu một lần là 50.000 đồng. Do vậy nếu số dư trong tài khoản dưới 100.000 đồng thì không thể rút tiền được. Cuối tháng hết tiền chị thường phải nhờ bạn chuyển khoản cho đủ số dư rút tiền. Mỗi lần như vậy đều bị trừ phí 3.300 đồng. Ngoài ra, nếu đăng ký dịch vụ báo số dư qua tin nhắn thì phí 8.800 đồng/tháng. Như vậy nhẩm tính mỗi tháng một người dùng thẻ cũng mất vài chục ngàn đồng tiền phí.
Tuy nhiên, bức xúc hơn là thu phí cao nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Vào ngày 30 và mồng 10 hằng tháng – thời điểm các DN chi lương – dù có đến hơn 10 máy ATM nhưng thế nào cũng có vài máy hỏng hóc, hết tiền hoặc chỉ cho phép kiểm tra số dư. Vài chục ngàn công nhân tập trung xếp hàng rồng rắn ở những máy ATM còn hoạt động được. Nhiều khi đành phải chịu đợi 1-2 ngày sau mới rút được tiền. “Số lượng công nhân tăng từng năm nhưng số máy rút tiền vẫn vậy” – chị Vân nói.
Lương công nhân phần nhiều dưới 5 triệu đồng, chỉ cần rút một lần là được. Với những người thu nhập cao hơn, việc mất thêm vài nghìn tiền phí chắc cũng không phải là vấn đề lớn. Đáng nói là, thay vì giữ tiền trong tài khoản sẽ an toàn hơn, người dùng sẽ rút ngay khi có tiền và mang về cất ở nhà, vừa rủi ro cho chủ thẻ, vừa bất lợi cho ngân hàng. Sự quay lưng của người dùng với ngân hàng mới là điều đáng ngại.
Ngoài ra, có một thực tế rằng, các ngân hàng hiện quy định rất khác nhau và không thống nhất về số tiền tối đa được rút, nơi 2 triệu đồng, nơi đến 5 triệu đồng. Ngay tại một số ngân hàng quy mô lớn nhất nhì hệ thống, mức rút tối đa tới 5 triệu đồng có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào mệnh giá loại tiền đang còn trong ATM. Một chủ thẻ sở hữu nhiều thẻ ghi nợ của các ngân hàng khác nhau cho rằng, có sòng phẳng không nếu rút 2 triệu cũng mất 1.000 đồng và rút 5 triệu đồng cũng mất ngần ấy?
Khi đòi thu phí, các ngân hàng đều cho rằng họ cần có chi phí để cải thiện chất lượng dịch vụ, nhưng điều này cần thời gian để kiểm chứng.
Chính sách thu phí ATM sẽ giúp cải thiện chất lượng phục vụ trong thời gian tới? – Ảnh: Tuổi trẻ
Có cách nào “né” phí ATM?
Theo Ngân hàng Nhà nước, mới có 34 trên tổng số 50 ngân hàng báo cáo các biểu phí dịch vụ thẻ dự kiến thu, trong đó có 12 ngân hàng thực hiện thu phí từ 1/3, còn lại 22 ngân hàng quyết định tiếp tục miễn phí rút tiền nội mạng, thậm chí liên mạng nhằm hỗ trợ, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ. Trong 12 ngân hàng thực hiện thu phí ngay, có 2 NH dự kiến thu 200-500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng và 10 đơn vị dự kiến mức thu 1.000 đồng/giao dịch (chưa gồm VAT).
Đằng nào thì các ngân hàng cũng sẽ thu phí, mà lương của bạn thì vẫn được trả qua tài khoản, vậy hãy thử tính xem bạn sẽ bị mất thêm bao nhiêu và có cách nào để giảm thiểu tiền phí?
- Hiện nay các ngân hàng đều đã thu phí thường niên với mức từ 3.300 – 10.000 đồng/tháng, vậy bạn phải chấp nhận khoản thu này.
- Các loại phí như cấp lại số PIN, tra soát, trả lại thẻ bị nuốt, cấp lại thẻ mới… là những rủi ro nên không tính vào chi phí hàng tháng.
- Các loại phí như chuyển khoản, truy vấn số dư, in sao kê… bạn hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn đăng ký dịch vụ Internet Banking của ngân hàng. Nếu bạn không có nhu cầu chuyển khoản, xem ra bạn không mất thêm đồng nào nếu dùng Internet Banking.
- Phí rút tiền: bạn có thể hạn chế tiền phí bằng cách rút mỗi lần số tiền tối đa cho phép, hoặc có thể tới trực tiếp giao dịch tại quầy.Trường hợp vẫn rút tiền tại ATM, bạn có thể mất thêm vài nghìn đồng mỗi tháng thôi (đa số chúng ta lương chỉ đủ rút trong 1, 2 lần của hạn mức 5 triệu đồng). Bạn cũng không nên để số tiền quá lớn trong thẻ ATM, khi đủ một mức nào đó bạn nên rút ra chuyển thành tài khoản tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn.
- Ngoài ra, nếu được chọn ngân hàng nhận tiền lương, nên chọn ngân hàng có số tiền rút tối ta càng nhiều càng tốt
- Không đăng ký các dịch vụ SMS/ Internet banking nếu không thực sự cần thiết
- Thanh toán bằng các cà thẻ ATM tại các quầy POS (đã có tại một số nhà hàng, siêu thị) thay vì rút tiền mặt để thanh toán vì hầu hết các thẻ ATM quẹt thẻ mua sắm thì không tốn phí